Poka Yoke là gì? Ví dụ về Poka Yoke trong sản xuất và đời sống
Hotline

Mục lục [Ẩn]

Poka Yoke là phương pháp chống sai lỗi vô cùng hiệu quả và được áp dụng rất nhiều lĩnh vực từ quản lý chất lượng sản xuất cho tới hàng hóa tiêu dùng hằng ngày. Rất có thể rằng thiết bị bạn đang dùng để đọc bài viết này cũng đã có áp dụng Poka Yoke. Ngay sau đây, chúng ta sẽ cùng khám phá thêm về Poka Yoke là gì, ứng dụng của Poka Yoke trong sản xuất cũng như tham khảo qua một số ví dụ về Poka yoke vô cùng thực tiễn trong cuộc sống.

Khóa học Lean Manufacturing: Tham khảo ngay

Poka Yoke là gì?

Thuật ngữ "Poka Yoke" xuất phát từ tiếng Nhật và có nghĩa là " Phòng ngừa lỗi " hoặc "ngăn lỗi xảy ra". Đây là một phương pháp được áp dụng trong quản lý chất lượng và sản xuất để ngăn chặn hoặc giảm thiểu lỗi và sai sót trong quá trình sản xuất hoặc sử dụng sản phẩm và dịch vụ.

Poka Yoke không chỉ đơn thuần là một công cụ kỹ thuật, mà còn là một triết lý quản lý đang được ứng dụng rất nhiều.

Có thể chia Poka Yoke thành 2 loại đó là Poka Yoke tự động và Poka Yoke thủ công:

  • Poka Yoke tự động là những thiết bị, hệ thống, cơ chế được thiết kế để ngăn ngừa lỗi sảy ra
  • Poka Yoke thủ công là những quy trình, quy định, thủ tục được thiết kế nhằm ngăn ngừa lỗi sảy ra

Nguyên lý của Poka Yoke

Poka Yoke có các nguyên lý chính như sau:

  • Ngăn ngừa lỗi ngay từ đầu: Thay vì trung vào phát hiện và sửa chữa sau khi sảy ra lỗi, Poka Yoke sẽ tập trung vào việc ngăn chặn lỗi sảy ra thông qua việc thiết kế quy trình hoặc hệ thống sao cho lỗi ít hay thậm chí không sảy ra.
  • Dễ dùng: Poka Yoke cần phải được sử dụng dễ dàng ngay cả với những người không được đào tạo để đảm bảo khả năng sử dụng nhất quán và hiệu quả.
  • Không gây gián đoạn Poka Yoke không được gây ra sự gián đoạn hay chậm trễ trong quá trình sản xuất và vận hành.

Mục đích của Poka Yoke

Poka Yoke có các mục đích sau:

  • Giảm thiểu lỗi: Poka Yoke giúp ngăn lỗi sảy ra để cải thiện chất lượng sản phẩm hay dịch vụ.
  • Tăng năng suất: Poka Yoke giúp giảm thời gian và chi phí cho việc phát hiện và sửa chữa lỗi, từ đó giúp tăng năng suất.
  • Tăng an toàn: Việc áp dụng Poka Yoke giúp ngăn ngừa tai nạn và thương tích
  • Tăng sự hài lòng của người tiêu dùng: Poka Yoke giúp mang lại cho người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt hơn.

Lịch sử hình thành và phát triển của Poka Yoke

Phương pháp Poka Yoke đã được tạo ra và phổ biến bởi Shigeo Shingo – một kỹ sư sản xuất và đồng thời cũng là chuyên gia nổi tiếng về quản lý chất lượng từ giai đoạn sau Chiến Tranh Thế Giới thứ 2. Để có thể hiêu thêm về lịch sử hình thành của Poka Yoke, ta có thể điểm qua những mốc thời gian tiêu biểu sau:

  • Vào những năm 1960, ông Shigeo Shingo khi đang làm việc tại nhà máy sản xuất xe hơi Toyota đã nhận thấy rằng các lỗi thường sảy ra do sự bất cẩn hoặc nhầm lẫn từ con người. Ông tin rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa lỗi đó là thiết kế quy trình và hệ thống sao cho không sảy ra lỗi hoặc chí ít là khó sảy ra. Từ đó, ông đã phát triển ra nhiều phương pháp và thiết kế để ngăn chặn sảy ra lỗi.
  • Vào những năm 1970, ông Shigeo Shingo đã công bố các tài liệu đầu tiên về Poka Yoke với những mô tả về các nguyên tắc Poka Yoke. Ngoài ra, các tài liệu này cũng đưa ra các ví dụ cụ thể về cách ngăn chặn lỗi và tối ưu hóa quá trình sản xuất thông qua Poka Yoke.
  • TỪ năm 1980 trở về sau, khi trải qua các giai đoạn phát triển và thử nghiệm thì Poka Yoke đã được áp dụng rộng rãi không chỉ ở những công ty Nhật Bản như Toyota, Honda mà còn được nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn tích hợp vào quy trình sản xuất của họ để cải thiện chất lượng và hiệu suất.
  • Cho tới hiện tại, Poka yoke được ứng dụng rộng rãi trong đa dạng lĩnh vực như sản xuất, lắp ráp, sửa chữa vận hành máy móc thiết bị, chế biến thực phẩm, y tế, dịch vụ, đời sống hằng ngày,…

Có thể nói rằng cho tới hiện nay, Poka Yoke đã trở thành một phần quan trọng trong quản lý chất lượng và cải tiến quy trình trên toàn thế giới.

Ví dụ về Poka Yoke

Để quý bạn đọc có thể hiểu thêm về Poka Yoke, chúng tôi xin được giới thiệu một số ví dụ về Poka Yoke thuộc nhiều lĩnh vực như sau.

Ví dụ về Poka Yoke trong sản xuất

Tại Toyota, trong một công đoạn lắp ráp yêu cầu đủ 2 chiếc lò xo vào một công tắc nhỏ trên xe hơi. Tuy nhiên khi thao tác thì hay gặp phải lỗi là công nhân bỏ quên một chiếc lò xo. Để phòng ngừa lỗi này, ông Shingo đã xây dựng quy trình sản xuất đơn giản đó là yêu cầu các công nhân phải bỏ 2 chiếc lò xo vào một khay dựng và chuyển tới vị trí thực hiện thao tác lắp ráp.

Theo cách làm này, nếu quên lắp ráp đủ 2 chiếc lò xo vào vị trí thì công nhân sẽ phát hiện ra trên khay đựng còn dư lò xo và nhanh chóng sửa lỗi trước khi sản phẩm đó được hoàn thiện.

Các khớp nối hoặc ổ cắm đặc biệt

Ví dụ về Poka Yoke

Với những khớp nối hoặc ổ cắm thường sảy ra sai sót, có thể thiết kế lại vị trí nối để đảm bảo rằng việc kết nối chỉ sảy ra khi ráp đúng chiều.

Mũi khoan dừng tự động

Poka yoke mũi khoan

Ở hình (A) là mũi khoan thông thường chưa được áp dụng Poka Yoke, trong quá trình làm việc thì người công nhân thao tác có thể khoan nông hoặc sâu hơn yêu cầu.

Ở hình (B) là mũi khoan được gắn thêm gờ, mũi khoan chỉ có thể khoan tới giới hạn được bố trí, không thể khoan sâu hơn.

Ở hình (C), mũi khoan được tích hợp cảnh báo và công tắc hành trình (Limit Switch). Mũi khoan chỉ được kích hoạt và phát cảnh báo hoạt động khi kích hoạt được công tắc , đảm bảo độ chính xác và an toàn cao khi vận hành.

Bố trí cân kiểm tra trọng lượng sản phẩm trên dây chuyền sản xuất

Cân kiểm tra trọng lượng sản phẩm (Checkweigher) khá phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm, vật liệu,… Cân sẽ được bố trí trên dây chuyền sản xuất, hoạt động liên tục và tự động đồng bộ với hệ thống phân loại. Khi các sản phẩm không đáp ứng trọng lượng yêu cầu thì sẽ được phân loại trực tiếp trên truyền.

Ví dụ: 1 dây chuyền sản xuất bánh trung thu, mỗi hộp cần chứa 4 chiếc bánh, cân sẽ được bố trí ở những vị trí kiểm soát. Sau khi đóng hộp, mỗi hộp bánh sẽ được chạy qua cân kiểm tra trọng lượng. Nếu hộp thiếu bánh thì trọng lượng của hộp sẽ nhẹ hơn mức quy định và hệ thống phân loại sẽ chuyển hộp bánh bị thiếu ra để xử lý lại. Cách làm này sẽ đảm bảo mỗi hộp bánh được bỏ đủ 4 chiếc bánh.

Thiết kế chống lắp sai của Sim hay thẻ nhớ

Ví dụ về Poka Yoke

SIM vật lý hay thẻ nhớ đã không còn xa lạ với mọi người. Thiết kế của Sim và thẻ nhớ cũng như khe cắm của những thứ này được thiết kế đặc biệt để khi lắp vào, chỉ có thể lắp đúng cách.

Tính năng an toàn của ô tô

Ô tô là phương tiện di chuyển khá phổ biến hiện nay và cũng được trang bị rất nhiều tính năng chống lỗi, giúp tăng tính an toàn cho người sử dụng trên chặng đường như:

  • Cảnh báo khi có người ngồi nhưng không thắt dây an toàn
  • Cảnh báo khi mở cửa (hoặc cửa đóng không kỹ) khi xe đang chạy
  • Cảnh báo hoặc thắng tự động khi khoảng cách gần với chướng ngại vật
  • …..

Poka yoke trong nhà bếp

Nhiều thiết bị trong nhà bếp hiện đại như tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng, máy rửa chén,… có cơ chế ngừng hoạt động ngay khi cửa mở để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Cảnh báo trong thang máy

Các thang máy hiện đại đều được trang bị tính năng phát tiếng kêu báo hiệu và không hoạt động khi trọng lượng trong thang máy quá tải để đảm bảo an toàn và tuổi thọ thang máy. Khi cửa thang máy đóng lại mà gặp vật cản thì cửa sẽ mở ra và thang máy không lên xuống để đảm bảo an toàn.

Poka Yoke trong Lean 6 Sigma

Lean Six Sigma là phương pháp cải tiến chất lượng nổi tiếng, tập trung vào việc loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất. Phương pháp này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm lỗi, giảm chi phí mà còn giúp doanh nghiệp có thể tăng cường sự hài lòng của khách hàng.

Trong Lean Six Sigma, thay vì tập trung vào sửa chữa và khắc phục hậu quả khi sảy ra lỗi thì Poka Yoke được sử dụng để loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ gây ra lỗi ngay từ đầu. Khi có thể ngăn chặn lỗi ngay từ ban đầu thông qua Poka Yoke, doanh nghiệp có thể cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giảm thiểu rủi ro, giảm lỗi, giảm chi phí và đảm bảo an toàn tốt hơn.

Tham khảo khóa học: Lean Six Sigma Yellow Belt

Cách triển khai Poka Yoke

Doanh nghiệp có thể triển khai Poka Yoke thông qua các bước sau:

  • Xác định các lỗi tiềm ẩn: Xác định các lỗi tiềm ẩn có thể sảy ra trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ hoặc quá trình sử dụng của khách hàng. Việc này có thể thực hiện thông qua các phương pháp phân tích quá trình, phân tích dữ liệu, phỏng vấn nhân viên, phân tích phản hồi của khách hàng,…
  • Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ: Từ những nguyên nhân đã được xác định, tiến hành nghiên cứu nguyên nhân gốc rễ để tìm ra cách ngăn ngừa hiệu quả.  Việc này có thể được thực hiện thông qua một số cách như Phân tích biểu đồ quá trình, Thu thập và phân tích dữ liệu, Kiểm tra thực tế, Phân tích 5 Whys, FMEA,…
  • Thiết kế và áp dụng Poka Yoke: Thiết kế Poka Yoke để ngăn ngừa lỗi sảy ra (lựa chọn giữa Poka Yoke tự động hay Poka Yoke thủ công)
  • Đánh giá hiệu quả của Poka Yoke: Sau khi áp dụng Poka Yoke, cần kiểm tra và đánh giá hiệu quả của Poka Yoke.

Những lưu ý về Poka Yoke

Poka Yoke cần đáp ứng một số lưu ý

  • Hiệu quả: Poka Yoke cần hiệu quả trong ngăn ngừa lỗi
  • Đơn giản và dễ sử dụng: Poka Yoke cần phải dễ dàng sử dụng cho cả nhân viên cũng như khách hàng
  • Kinh tế: Chi phí, thời gian và các nguồn lực để triển khai Poka Yoke cần phù hợp với hiệu quả đem lại.

Trong sản xuất, Poka Yoke là phương pháp mạnh mẽ giúp doanh nghiệp có thể ngăn chặn lỗi hiệu quả và tối ưu quy trình sản xuất cũng như có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng, có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Poka Yoke cũng phát triển không ngừng do đó đơn vị triển khai cũng cần không ngừng học hỏi và đổi mới để ngày càng phát triển. Để được tư vấn thêm về các khóa học phù hợp cũng như các chương trình dành riêng cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ trực tiếp tới iRTC qua Hotline 0902 419 079. Đội ngũ của iRTC luôn sẵn sàng tư vấn cho quý học viên và doanh nghiệp.




LIÊN HỆ TƯ VẤN

HCM - HÀ NỘI - ĐÀ NẴNG
028 667 02879
0902 419 079
0908 419 079
daotao@irtc.edu.vn

KHÓA HỌC MỚI KẾT THÚC

KHÁCH HÀNG TIÊU BIỂU