Hội thảo bàn về biện pháp “Nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội, ngày 27-7-2012. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các giảng viên, nghiên cứu viên, các cán bộ quản lý đang công tác tại tổ chức JICA, các trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản, các cơ sở nghiên cứu tư vấn đào tạo và các công ty, doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế nêu rõ: Hoạt động năng suất và chất lượng ở Việt Nam trong thời gian qua đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. Kể từ giữa thập kỷ 1990, chất lượng đã được Nhà nước và các doanh nghiệp chú trọng thông qua các chương trình quốc gia, dự án, giải thưởng chất lượng, áp dụng các công cụ quản lý theo tiêu chuẩn như ISO 9000, 5S, v.v. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng hoạt động năng suất và chất lượng ở Việt Nam phát triển chậm, chưa có hệ thống, mang tính tự phát, và thiếu định hướng lâu dài. Một trong những nguyên nhân quan trọng của vấn đề này là do sự thiếu vắng vai trò của các cơ quan khoa học, nghiên cứu tư vấn năng suất và chất lượng.
Hiện nay, ở Việt Nam, trong các trường đại học, chưa có cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về năng suất và chất lượng. Các chuyên gia xác định đây là một lĩnh vực nghiên cứu nhằm sáng tạo, phát triển các ý tưởng, giải pháp mới và chuyển giao các kết quả này để giải quyết các vấn đề của lý luận và thực tiễn phục vụ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia.
Hội thảo được tổ chức là dịp để các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất cũng như các doanh nhân của Việt Nam và nước ngoài cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về quản lý chất lượng.
Nội dung hội thảo tập trung thảo luận làm rõ:
-
Thực trạng hoạt động quản lý chất lượng tại Việt Nam dưới góc độ quản lý nhà nước;
-
Hoạt động quản lý chất lượng tại doanh nghiệp Việt Nam qua góc nhìn của các chuyên gia Nhật Bản; Phương pháp tiếp cận xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn tại Việt Nam;
-
Xu hướng mới về quản lý chất lượng tại các quốc gia trong thế kỷ 21;
-
Kinh nghiệm đào tạo nhân lực phục vụ quản lý chất lượng;
-
Thực hành tốt quản lý chất lượng dịch vụ tại doanh nghiệp, cụ thể là ngành ngân hàng.
-
Nhiều mô hình tiêu biểu về cải tiến chất lượng tại doanh nghiệp Việt Nam, nhiều mô hình quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới cũng được giới thiệu tại Hội thảo