SPC - Statistical Process Control là một phương pháp kiểm soát chất lượng đang được áp dụng trong rất nhiều ngành khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là sản xuất hàng hóa. Chắc chắn rằng khi đọc được những dòng này, bạn sẽ tự hỏi những câu hỏi như SPC là gì, lợi ích của SPC là gì và có nên học SPC hay không,… Hãy cùng tìm hiểu về SPC và tự tìm câu trả lời ở bài viết này bạn nhé.
SPC là gì?
SPC là viết tắt của “Statistical Process Control” và được dịch ra tiếng Việt là kiểm soát quá trình bằng phương pháp thống kê.
SPC là cách thức các doanh nghiệp sử dụng thống kê để thu thập, phân loại và xử lý thông tin dữ liệu. Dữ liệu thu được trong quá trình trên sẽ phản ánh được khả năng hoạt động vận hành của một dây chuyền sản xuất hay của một nhà máy. Từ những dữ liệu trên, doanh nghiệp có thể nắm được thực trạng, xu hướng, tính biến động của quá trình sản xuất và cuối cùng là vạch ra những hướng đi mới để cải tiến bộ máy sản xuất của doanh nghiệp tốt hơn. Nói một cách ngắn gọn thì SPC là việc áp dụng thống kê để kiểm soát quá trình.
Lịch sử hình thành của SPC
Để tìm về khởi nguồn của SPC, chúng ta sẽ đi ngược dòng lịch sử. Vào năm 1924, tại phòng thí nghiệm Bell, 1 người đàn ông tên William A. Shewart đã phát triển ra biểu đồ kiểm soát và chứng minh rằng có thể kiểm soát quá trình bằng phương pháp thống kê. Một thời gian sau vào năm 1939, ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “phương pháp thống kê từ quan điểm kiểm soát chất lượng”.
Trong thời thế chiến thứ hai nổ ra, với nhu cầu phải tìm kiếm một cách thức hiệu quả để giám sát chất lượng sản phẩm (súng, đạn dược, quân nhu) mà không gây ảnh hưởng tới sự an toàn thì SPC đã được tin dùng và áp dụng rộng rãi sau đó. Tuy nhiên sau khi cuộc chiến kết thúc thì việc sử dụng SPC tại Mỹ dần ít đi và điểm đến tiếp theo của SPC đó là Nhật Bản – nơi mà ngày nay SPC vẫn được sử dụng.
Mãi tới những năm 1970, khi nhận thấy được áp lực từ những sản phẩm chất lượng từ Nhật Bản thì SPC đã được chấp nhận lại trong ngành công nghiệp Mỹ.
Đến ngày nay, SPC đang ngày càng được áp dụng tại nhiều ngành công nghiệp sản xuất và không ngừng thể hiện những tiềm năng mình mang lại.
Lợi ích khi áp dụng SPC
Kiểm soát quá trình bằng thống kê (SPC) đang được rất nhiều ngành hàng áp dụng đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nhờ vào những lợi ích vô cùng thiết thực mà nó đem lại:
-
Giúp phát hiện những nguyên nhân gây bất ổn định trong vận hành sản xuất.
-
Xác định các tác nhân khiến việc sản xuất vượt quá tầm kiểm soát nhanh chóng và cách khắc phục để tránh gây ra thiệt hại về doanh thu cho doanh nghiệp.
-
Giúp doanh nghiệp ổn định hóa quá trình sản xuất , nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ưu và nhược điểm của SPC
Ưu điểm của SPC
Khả năng phát hiện lỗi trong thời gian thực
Biểu đồ kiểm soát có thể cho thấy những gì đang diễn ra trong dây chuyền sản xuất trong thời gian thực do đó người vận hành có thể kịp thời phát hiện và đưa ra giải pháp khắc phục trước khi chúng gây ra những vấn đề lớn hơn. Việc can thiệp kịp thời giúp giảm đáng kể việc phải làm lại sản phẩm và tiết kiệm chi phí đáng kể.
Nhận định rõ về tính ổn định của quy trình hiện tại
Thông thường, người vận hành khó có thể biết được nên làm gì hoặc để yên cho quy trình vận hành như cũ và khi cần thiết, họ sẽ phải nghiên cứu hoặc thậm chí can thiệp lại toàn bộ quy trình rất tốn thời gian.
Tuy nhiên với SPC, người vận hành thông qua việc phân tích biểu đồ có thể phát hiện rằng các quy trình có vấn đề hay không, và có cần phải can thiệp vào hoặc để yên cho quy trình vận hành như cũ.
Cung cấp nguồn thông tin chính xác và đồng bộ cho các bên liên quan
SPC cung cấp những biểu đồ và tiết lộ các thông tin chính xác và đồng bộ cho các bên liên quan tới việc tạo ra sản phẩm.
Dữ liệu tổng hợp giúp các kỹ sư và đội ngũ thiết kế có thể cải thiện sản phẩm, cải thiện quy trình sản xuất hiệu quả hơn.
Các biểu đồ có thể giúp nhà quản lý sản xuất có cái nhìn tổng quát về hoạt động sản xuất của toàn nhà máy hoặc nhiều cơ sở sản xuất.
Với những bộ phận có nhiệm vụ kiểm soát và quản lý chất lượng như bộ phận Quản lý chất lượng, các chuyên viên ISO, QC,… có thể làm việc và đưa ra quyết định dựa trên các con số cụ thể.
Tăng tính đồng nhất và kiểm soát chất lượng sản phẩm
Thông qua SPC, doanh nghiệp có thể cho ra những sản phẩm có tính đồng nhất với yêu cầu từ khách hàng.
Việc này giúp doanh nghiệp giảm được sản phẩm lỗi, hạn chế việc khách hàng phải trả lại các sản phẩm lỗi, nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Nhược điểm của SPC
Bên cạnh những ưu điểm trên thì việc triển khai SPC cũng tiềm ẩn những nhược điểm như sau.
Tốn thời gian để áp dụng
Để có thể sử dụng một cách hiệu quả thì SPC cần có thời gian áp dụng vào môi trường sản xuất cũng như yêu cầu nhiều hơn về việc quan sát. Khi đã được áp dụng, bạn cần phải đào tạo nhận thức về SPC cho người quản lý và các nhân viên khác. Trong quá trình vận hành thì người vận hành cũng cần tốn thời gian giám sát và điền vào các biểu đồ.
Chi phí thực thiện tốn kém
Nếu doanh nghiệp không có những doanh nghiệp am hiểu về SPC thì việc triển khai sẽ tốn kém khi phải đào tạo cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp cũng như chi tiền cho những tài liệu cần thiết.
Đối mặt với sự bất hợp tác
Bước đầu và cũng là quan trọng nhất của SPC đó là thu thập dữ liệu. Tại dây chuyền, việc ghi lại những sản phẩm lỗi, các sản phẩm bị từ chối có thể bị hiểu lầm là sự đánh giá thấp năng lực của Nhân viên và họ có thể cảm thấy sự đe dọa từ điều này dẫn tới việc cung cấp số liệu kém chính xác với thực tế.
Mục tiêu của doanh nghiệp khi áp dụng SPC
Mục tiêu chính của doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất đó chính là liên tục cải tiến quy trình bằng cách giảm thiểu sự thay đổi. Đáp ứng mục tiêu chính này sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu khác như:
-
Tăng sự hài lòng và giảm phàn nàn từ khách hàng.
-
Giảm hoặc loại bỏ nhu cầu kiểm tra trong chuỗi cung ứng.
-
Thiết lập một ngưỡng chất lượng nhất quán và có thể dự đoán.
-
Giảm phế liệu, chi phí làm lại và chi phí kiểm tra.
-
Tạo động lực cho người điều hành.
-
Thu thập dữ liệu, phân tích và báo cáo hiệu quả hơn.
-
Giao tiếp giữa các cấp trong tổ chức hiệu quả hơn.
-
Gia tăng năng xuất.
-
Cải tiến quy trình và từ đó giảm chi phí đầu tư.
Yêu cầu khi áp dụng SPC tại doanh nghiệp
Để có thể áp dụng SPC một cách có hiệu quả thì doanh nghiệp cần những điều kiện sau:
-
Các cán bộ quản lý và cán bộ cấp cao cần thành thạo các công cụ kiểm soát chất lượng, hiểu và biết cách sử dụng các phương pháp thống kê trong quản lý chất lượng, nhạy bén với số liệu và có Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định với những tình huống bất ngờ sảy ra.
-
Các tổ trưởng, nhân viên tại phân xưởng cần được đào tạo nhận thức về SPC để có thể hợp tác và vận hành đúng việc điền dữ liệu. Các chuyền trưởng, tổ trưởng sản xuất cần được đào tạo về kỹ năng thống kê.
-
Các giám sát viên cần thành thạo với các công cụ thống kê và công cụ kiểm soát chất lượng.
Tham khảo khóa đào tạo 7 công cụ quản lý chất lượng.
Vừa rồi là những chia sẻ của iRTC về những thông tin cần thiết liên quan tới SPC để giúp bạn đọc có thể hiểu được SPC là gì cũng như những điều cần biết về SPC. Việc nắm bắt về SPC giúp cho doanh nghiệp có thể áp dụng nó một cách hiệu quả để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng và người tiêu dùng. Để được tư vấn SPC cũng như biết thêm thông tin về chương trình đào tạo SPC của iRTC, quý khách có thể liên hệ trực tiếp với iRTC qua Hotline: 0902 419 079 hoặc để lại thông tin bên dưới và iRTC sẽ liên hệ lại.